Tin, bài đáng chú ý

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự: Bỏ thủ tục rườm rà để người dân tiếp cận công lý

Cập nhật: 09-05-2012 22:41:08

Sửa đổi để đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật

Hơn 8 năm thực hiện, theo VKSNDTC: Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, quá trình thi hành các quy định của BLTTHS trong những năm qua đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Một số quy định về trình tự, thủ tục TTHS chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, như các quy định về thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng; trách nhiệm giữa các cơ quan và người tiến hành tố tụng; các quy định về thời hạn tạm giữ, tạm giam; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng… Những quy định “lạc hậu” này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như lợi ích hợp pháp của người dân.

Đặc biệt, theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình Trưởng ban Soạn thảo sửa đổi BLTTHS - thì việc sửa đổi lần này nhằm đồng bộ với quá trình sửa Hiến pháp 1992; đồng thời thống nhất, đồng bộ với các luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều quy định liên quan đến hoạt động TTHS như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thanh tra… “Lần sửa đổi BLTTHS này cần đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, thể hiện ở các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và chiến lược cải cách tư pháp đến 2020” - ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế, nước ta đã tham gia, ký kết nhiều văn kiện quốc tế đa phương và song phương với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi một số thủ tục TTHS phải được sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính tương thích, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tăng tính minh bạch trong TTHS

Một trong những quan điểm chỉ đạo được VKSNDTC đưa ra trong sửa đổi BLTTHS là bảo đảm quy định các trình tự, thủ tục TTHS cụ thể, rõ ràng, minh bạch, bảo đảm tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, cần nhấn mạnh tư tưởng về Nhà nước pháp quyền trong TTHS, trong đó nội dung quan trọng là bảo vệ quyền con người và quyền dân chủ. Muốn vậy, cần tăng cường tính minh bạch trong tố tụng, qua đó ngăn ngừa việc lạm quyền, xâm phạm quyền con người, quyền dân chủ.

Cũng theo ông Liên, lần sửa đổi này cần đổi mới rõ nét mô hình tố tụng Việt Nam, từ tố tụng thẩm vấn sang thẩm vấn kết hợp với tranh tụng; khắc phục được tính “cắt khúc” trong tố tụng hình sự, nâng cao năng lực của bộ máy thực hiện chức năng công tố…

Đồng tình với quan điểm này, VKSNDTC cũng chỉ rõ, một trong những nội dung chính của việc sửa đổi BLTTHS lần này là nghiên cứu sửa đổi một số nguyên tắc cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp trong việc tôn trọng quyền con người, hạn chế tối đa oan sai.

Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng xác định rõ thẩm quyền của từng cơ quan; mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; đề nghị bổ sung các quy định về thời hạn tố tụng theo hướng vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vừa không gây áp lực đối với cơ quan tố tụng và người THTT.

Hiện, việc sửa đổi BLTTHS đang được cơ quan chủ trì soạn thảo (VKSNDTC) đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013.

Bình An

 
Nguồn: phapluatvn.vn
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: