Quyết định Giám đốc thẩm

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 20/2009/DS-GĐT NGÀY 30/07/2009 VỀ VỤ ÁN "TRANH CHẤP SỞ HỮU CHUNG HỖN HỢP"

Cập nhật: 13-10-2011 16:32:27

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 20/2009/DS-GĐT NGÀY 30/07/2009 VỀ VỤ ÁN "TRANH CHẤP SỞ HỮU CHUNG HỖN HỢP"

……..

Ngày 30 tháng 7 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án vụ án “Tranh chấp sở hữu chung hỗn hợp” giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đậu Ngọc Long, sinh năm 1953; trú tại nhà số 307/1 Nguyễn Văn Trỗi, phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nga (sau đây gọi tắt là Công ty Phương Nga); địa chỉ trụ sở: Nhà số 1/1 quốc lộ 15, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; do bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Công ty làm đại diện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Hero Taiwan (Campuchia); địa chỉ trụ sở: số 138/122 Sang Kartuklaak 1, Khantuok Phnompenh, Campuchia; do ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc làm đại diện.

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 06-4-2005 và trong quá trình tham gia tố tụng, ông Đậu Ngọc Long trình bày: Ngày 04-3-2003, ông và Công ty Phương Nga đã ký kết hợp đồng liên doanh liên kết số 15/2003. Theo hợp đồng, ông và Công ty Phương Nga cùng góp vốn để hợp tác với Công ty Hero Taiwan thực hiện việc khai thác và nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ hoặc tái xuất khẩu, thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 31-12-2003. Cùng ngày 04-3-2003, ông đã góp cho Công ty Phương Nga 2.000.000.000 đồng. Sau khi góp vốn, ông đã cùng bà Nga sang Campuchia để tìm hiểu về khả năng thực hiện việc liên doanh liên kết. Sau đó, Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan ký kết hợp đồng vào thời điểm nào thì ông không được biết, nhưng khi hết thời hạn thỏa thuận giữa ông và Công ty Phương Nga thì không thấy Công ty Phương Nga nhập khẩu gỗ về Việt Nam. Ông đã nhiều lần yêu cầu Công ty Phương Nga hoàn trả lại cho ông phần vốn ông đã góp, nhưng Công ty Phương Nga không trả. Đến tháng 10/2004, Công ty Phương Nga gửi cho ông một bảng kê có nội dung là Công ty Phương Nga đã chi phí tổng cộng 3.400.695.560 đồng để thực hiện hợp đồng liên doanh với Công ty Hero Taiwan, trong đó có khoản chi phí vé máy bay, ăn nghỉ khách sạn, giao dịch phí trong thời gian ông cùng bà Nga sang Campuchia là 270.567.960 đồng, đối trừ số vốn hai bên đã góp là 4.000.000.000 đồng thì mỗi bên còn lại 299.652.220 đồng; đồng thời Công ty Phương Nga đơn phương trả vào tài khoản của ông 299.652.220 đồng. Ông chỉ đồng ý chịu 1/2 chi phí đi lại, ăn ở, giao dịch trong thời gian cùng bà Nga sang Campuchia là 135.283.980 đồng, không chấp nhận các khoản chi phí khác mà Công ty Phương Nga đã liệt kê, vì các khoản chi này không có chứng từ hợp pháp và nhiều khoản chi là tiêu cực phí với số tiền lớn. Như vậy, Công ty Phương Nga còn phải trả lại ông 1.565.063.800 đồng, nên ông đề nghị Tòa án buộc Công ty Phương Nga phải trả ông số tiền này cùng với lãi suất tính từ ngày kết thúc hợp đồng liên doanh liên kết giữa ông và Công ty Phương Nga (31-12-2003) đến khi xét xử sơ thẩm.

Đại diện Công ty Phương Nga thừa nhận giữa Công ty Phương Nga và ông Long có ký kết hợp đồng liên doanh liên kết và ông Long đã góp số vốn là 2.000.000.000 đồng như ông Long đã trình bày. Sau khi tìm hiểu, khảo sát thực tế, Công ty Phương Nga đã ký với Công ty Hero Taiwan một số hợp đồng về khai thác và tiêu thụ gỗ. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng thì ở Campuchia xảy ra khủng hoảng chính trị, nên việc khai thác, xuất khẩu gỗ bị đình trệ, đến nay Công ty Phương Nga chưa nhận được gỗ; giữa Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan vẫn chưa thanh lý được hợp đồng. Công ty Phương Nga đã chi tổng cộng 270.567.960 đồng trong thời gian bà Nga cùng ông Long sang Campuchia tìm hiểu, khảo sát thực tế để ký kết hợp đồng với Công ty Hero Taiwan. Sau khi ký hợp đồng với Công ty Hero Taiwan, Công ty Phương Nga đã tạm ứng cho Công ty Hero Taiwan tổng cộng 3.130.127.600 đồng. Tháng 10/2004, ông Long cần tiền nên Công ty Phương Nga đã chuyển trả ông Long 299.652.22 đồng. Công ty Phương Nga không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Long, vì sở dĩ hợp đồng giữa Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan không thực hiện được là do có trở ngại khách quan.

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, đại diện Công ty Hero Taiwan vắng mặt và không có ý kiến về nội dung tranh chấp giữa ông Long và Công ty Phương Nga.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 27-6-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định:

Bác yêu cầu của ông Đậu Ngọc Long đòi số tiền hùn vốn còn lại 1.565.063.800 đồng và lãi suất quá hạn đối với Công ty Phương Nga.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 06-7-2007, ông Đậu Ngọc Long có đơn kháng cáo cho rằng các hợp đồng giữa Công ty Phương Nga với Công ty Hero Campuchia có dấu hiệu giả tạo vì ông Dũng ký hợp đồng với Công ty Phương Nga với tư cách là đại diện Công ty Hero, nhưng ông Dũng là người Việt Nam, chủ Doanh nghiệp tư nhân Đại Hiệp ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, buộc Công ty Phương Nga phải hoàn trả cho ông 1.565.063.800 đồng.

Tại phiên Tòa phúc thẩm, ông Long rút yêu cầu về khoản tiền lãi chậm trả và đề nghị Tòa án buộc Công ty Phương Nga trả lại ông 1.565.063.800 đồng.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 310/2007/DSPT ngày 27-9-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định sửa bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 27-6-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai như sau:

Tuyên bố hợp đồng liên doanh liên kết số 15/2003 PN-HĐKT ngày 04-3-2003 ký giữa Công ty Phương Nga và ông Đậu Ngọc Long là hợp đồng vô hiệu.

Công ty Phương Nga do bà Nguyễn Phương Nga là Giám đốc có trách nhiệm phải hoàn trả cho ông Đậu Ngọc Long số tiền 1.565.063.800 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí và nghĩa vụ do chậm thi hành án.

Ngày 07-11-2007 và ngày 20-5-2008, đại diện Công ty Phương Nga khiếu nại cho rằng ông Long là người giới thiệu để Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan ký kết các hợp đồng khai thác, nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam. Thực tế Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan đã ký kết nhiều hợp đồng, nhưng do Campuchia xảy ra khủng hoảng chính trị, nên các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị tê liệt; việc không thể thực hiện hợp đồng là do trở ngại khách quan. Công ty Phương Nga đã chi phí hết trên 3 tỷ 400 triệu đồng, trong đó đã đưa cho phía Công ty Hero Taiwan trên 3,1 tỷ đồng. Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định Công ty Phương Nga không có chức năng nhập khẩu gỗ và không chứng minh được thiệt hại của hợp đồng vô hiệu, từ đó buộc Công ty Phương Nga phải hoàn trả ông Long 1.565.063.800 đồng là không đúng.

Tại Quyết định số 32/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 31-3-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 310/2007/DSPT ngày 27-9-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 27-6-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung, với nhận định:

Ông Long, bà Nga quen biết nhau và bàn bạc thống nhất cùng hùn vốn để kinh doanh, các bên tiến hành ký hợp đồng số 15 ngày 04-3-2003 liên doanh liên kết cùng nhau góp vốn để thực hiện hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Hero Taiwan Campuchia khai thác và nhập gỗ từ Campuchia về Việt Nam, hợp đồng chấm dứt ngày 31-12-2003. Nay ông Long đòi rút vốn còn lại là 1.565.063.800 đồng. Như vậy, ông Long và bà Nga đã trực tiếp cùng nhau đi khảo sát tình hình hoạt động của Công ty Hero Taiwan Campuchia về: “Năng lực, tiềm năng, cơ sở hạ tầng, các mối quan hệ khác… trong hoạt động về cung cấp gỗ tròn của Công ty Hero Campuchia, thì Công ty Phương Nga và ông Đậu Ngọc Long thống nhất liên doanh, liên kết với nhau trong vấn đề hợp tác kinh doanh gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.

Trong hợp đồng quy định trách nhiệm của mỗi bên, cụ thể: đối với Công ty Phương Nga sẽ đứng tư cách pháp nhân nhập khẩu gỗ về Việt Nam tiêu thụ gỗ, chịu trách nhiệm tư cách pháp nhân trong hợp đồng tiêu thụ gỗ khi nhập về Việt Nam. Còn ông Đậu Ngọc Long sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Phương Nga bắt đầu thực hiện hợp đồng trong vòng 3 ngày sau khi hợp đồng được ký kết.

Mọi chi phí sẽ được hạch toán bằng chứng từ kế toán của Công ty Phương Nga và ông Đậu Ngọc Long. Hai bên sẽ phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn và công sức bỏ ra sau khi đã chi trả mọi chi phí và thuế.

Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản ghi trên, bên nào vi phạm gây thiệt hại vật chất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thỏa đáng cho bên kia. Trong quá trình thực hiện, nếu bên nào gặp khó khăn trở ngại gì sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết, không tự ý hủy bỏ hợp đồng đã ký.

Hai bên cần chủ động thông báo cho nhau tiến độ thực hiện hợp đồng, nếu có vấn đề gì phát sinh thì sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày (1 tuần lễ). Hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký và đến hết ngày 31-12-2003.

Như vậy, ông Long có nghĩa vụ giao tiền, thực tế đã giao 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng chẵn) cho Công ty Phương Nga, còn Công ty Phương Nga có nghĩa vụ giao dịch và làm mọi thủ tục để tiến tới ký kết hợp đồng nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam với Công ty Hero Taiwan Campuchia, ông thừa nhận đã cùng bà Nga sang Campuchia gặp Giám đốc của Công ty Hero Taiwan Campuchia làm việc và ông đã đồng ý chịu số tiền chi phí của ông cho chuyến đi này là 135.283.980 đồng. Tại Tòa án cấp sơ thẩm ông Long khai hợp đồng không thực hiện được, nhưng không có chứng cứ để chứng minh, trong khi đó tại biên bản làm việc ngày 22-3-2007 ông thừa nhận có cùng bà Nga sang Campuchia để khảo sát. Theo hợp đồng thì ông Long là người có trách nhiệm góp vốn, còn Công ty Phương Nga có trách nhiệm thực hiện thủ tục giao dịch trước, trong và sau để ký hợp đồng với Công ty Hero Taiwan Campuchia, nhập gỗ từ Campuchia về Việt Nam và tiêu thụ gỗ tại Việt Nam thì Công ty Phương Nga chịu trách nhiệm. Quá trình đó, Công ty Phương Nga đã cung cấp hợp đồng số 115/2003-HĐKT ngày 25-3-2003 mà công ty đã ký kết với Công ty Hero Taiwan, đây là việc làm thực tế, và việc làm đó thực hiện đúng như hợp đồng đã ký giữa ông Đậu Ngọc Long và Công ty Phương Nga đã thỏa thuận. Công ty Phương Nga không có lỗi.

Về chi phí, theo hợp đồng các bên quy định mọi chi phí sẽ hạch toán bằng chứng từ kế toán của Công ty Phương Nga và ông Đậu Ngọc Long. Theo Công ty Phương Nga cung cấp các chứng từ cho Tòa án, thì Công ty đã chi cho việc mua dụng cụ khai thác gỗ, phụ tùng ô-tô, chi phí đi lại, ăn ở cho ông Nguyễn Ngọc Dũng là người ký hợp đồng nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam và còn nhiều khoản tiền chi khác… tổng chi phí là 3.130.127.600 đồng có các chứng từ chi tiết. Hợp đồng chưa được các bên thanh lý, ông Đậu Ngọc Long và bà Nga chưa một lần đối chiếu các chứng từ với nhau để xác định tính hợp pháp của các chứng từ, những chứng từ nào không hợp pháp, theo quy định của pháp luật như các bên thỏa thuận được ghi trong hợp đồng là không tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Bản án phúc thẩm căn cứ vào lời khai không thừa nhận của ông Long để chấp nhận yêu cầu của ông Long, chưa xem xét đến các chứng cứ của Công ty Phương Nga đối với số tiền đã chi là chưa đảm bảo quyền lợi của Công ty Phương Nga, cần được xác minh làm rõ mới có căn cứ xét xử.

Mặt khác các bên thỏa thuận lợi nhuận chia theo tỷ lệ vốn góp, không quy định nghĩa vụ chịu rủi ro, nếu có xảy ra thì các bên cùng nhau chịu.

Về quan hệ pháp luật: Bản án sơ thẩm xác định là “Tranh chấp sở hữu chung hỗn hợp”; bản án phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Hợp đồng song vụ” được quy định tại Điều 414 Bộ luật dân sự. Đây là hợp đồng hùn vốn mà nghĩa vụ của ông Long cũng như Công ty Phương Nga cùng nhau góp vốn (tiền) và sức để kinh doanh, nhằm mục đích lợi nhuận. Do đó, cần phải xác định đây là hợp đồng dân sự có nội dung hùn vốn để kinh doanh mới đúng.

Bản án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu của ông Đậu Ngọc Long đòi Công ty Phương Nga số tiền 1.565.063.800 đồng là cũng không có cơ sở và bản án phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Long, buộc Công ty Phương Nga trả cho ông Long số tiền là 1.565.063.800 đồng là chưa có căn cứ.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Căn cứ vào “Hợp đồng liên doanh liên kết” số 15/2003 PN-HĐKT do ông Long và đại diện Công ty Phương Nga ký ngày 04-3-2003; Phiếu thu số 01 ngày 04-3-2003 của Công ty Phương Nga; lời trình bày của ông Long và người đại diện hợp pháp của Công ty Phương Nga, thì: Ông Long và Công ty Phương Nga đã thỏa thuận cùng nhau góp vốn để thực hiện hợp đồng liên doanh với Công ty Hero Taiwan khai thác và nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ hoặc tái xuất khẩu, thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 31-12-2003. Thực hiện hợp đồng trên, ông Long đã góp số vốn là 2.000.000.000 đồng cho Công ty Phương Nga; ông Long đã cùng bà Nga sang Campuchia khảo sát, tìm hiểu khả năng thực hiện hợp đồng và chấp nhận chịu 1/2 chi phí cho việc đi khảo sát (theo số liệu Công ty Phương Nga đã liệt kê) là 135.283.980 đồng; Công ty Phương Nga đã hoàn trả cho ông Long 299.652.220 đồng.

Ông Long yêu cầu Công ty Phương Nga phải hoàn trả cho ông 1.565.063.800 đồng, vì cho rằng đã hết thời hạn thỏa thuận nhưng Công ty Phương Nga không nhập khẩu được gỗ; trong khi đó, đại diện Công ty Phương Nga không chấp nhận yêu cầu của ông Long, với lý do Công ty Phương Nga đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Hero Taiwan, đã chi phí để thực hiện các hợp đồng, nhưng không nhập khẩu được gỗ vì lý do khách quan.

Về hợp đồng liên doanh liên kết giữa Công ty Phương Nga với ông Long ngày 04-3-2003 thì tại thời điểm giao kết hợp đồng, Công ty Phương Nga không có chức năng xuất nhập khẩu gỗ. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng liên doanh liên kết nêu trên vô hiệu là có căn cứ; Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng đã được hai bên ký kết và thực hiện nên xác định là hợp đồng có hiệu lực, để giải quyết về nội dung là không đúng.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Long cho rằng không trực tiếp giao dịch với đại diện Công ty Hero Taiwan và không biết về Công ty Hero Taiwan còn đại diện Công ty Phương Nga lại cho rằng đã trực tiếp giao dịch ký nhiều hợp đồng với Công ty Hero Taiwan về khai thác, chế biến gỗ và nhiều lần chuyển tiền cho đại diện Công ty Hero Taiwan, đồng thời đại diện Công ty Phương Nga xuất trình một số bản hợp đồng liên doanh liên kết giữa Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan, phiếu chi tiền cho ông Nguyễn Ngọc Dũng, ông Nguyễn Bình (ghi là đại diện Công ty Hero Taiwan), ông Võ Thanh (lái xe BKS 65N-2128), với số tiền là hơn 3,1 tỷ đồng, để chứng minh là Công ty Phương Nga đã ký kết các hợp đồng và đã tạm ứng tiền cho Công ty Hero Taiwan, nhằm thực hiện thỏa thuận với ông Long.

Xem xét các tài liệu, chứng từ do Công ty Phương Nga xuất trình, lời khai của các đương sự thì Công ty Hero Taiwan (nếu có thật) là Công ty của Campuchia thấy rằng:

Tại các bản hợp đồng liên doanh liên kết giữa Công ty Phương Nga và Công ty Hero Taiwan thì người đại diện Công ty Hero Taiwan đều là ông Nguyễn Ngọc Dũng. Tuy nhiên, có hợp đồng thì ông Dũng ký với chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty Hero, có hợp đồng ông Dũng lại ký với chức danh Giám đốc Nhà máy SX-XK gỗ Hero; chữ ghi chức danh người đại diện và họ tên người đại diện ở phần đóng dấu lại là chữ nước ngoài.

“Bảng tổng hợp chi phí” có đóng dấu ghi là Công ty Hero Taiwan có nội dung trong khoảng thời gian từ ngày 07-02-2003 đến tháng 01/2004, Công ty Hero Taiwan đã nhận tạm ứng của Công ty Phương Nga tổng cộng 3.130.127.600 đồng.

Các phiếu chi, tạm ứng tiền có nội dung Công ty Phương Nga chi, tạm ứng cho những người nhận tiền, nhận tạm ứng là ông Nguyễn Ngọc Dũng (Công ty Hero), ông Nguyễn Bình (Công ty Hero) và ông Võ Thanh (lái xe 65N-2128), tổng cộng 3.109.627.000 đồng; trong đó đã chi, tạm ứng tổng số tiền là 2.621.627.000 đồng nhưng không ghi lý do chi, lý do tạm ứng; còn lại đã chi, tạm ứng để sửa chữa, đại tu xe cộ, máy móc phục vụ cho việc khai thác, tổng số tiền là 488.000.000 đồng.

Trong khi đó hồ sơ vụ án chưa có tài liệu xác định Công ty Hero Taiwan được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam theo Luật đầu tư. Các hợp đồng giữa Công ty Phương Nga với Công ty Hero Taiwan Campuchia, “Bảng tổng hợp chi phí” có đóng dấu ghi Công ty Hero Taiwan Campuchia do Công ty Phương Nga xuất trình chỉ là các bản phô-tô-cop-py, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Campuchia và cũng chưa hợp pháp hóa lãnh sự nên chưa đủ cơ sở xác định là có trong thực tế Công ty Hero Taiwan Campuchia.

Đối với các khoản tiền chi, tạm ứng mà Công ty Phương Nga kê khai và xuất trình chứng từ ghi là chi cho những người đại diện của Công ty Hero Taiwan như ông Nguyễn Ngọc Dũng, ông Nguyễn Bình, ông Võ Thanh, nhưng cũng chưa có căn cứ xác định những ông này là đại diện cho Công ty Hero Taiwan và Công ty Hero Taiwan đã thực nhận khoản tiền này. Hơn nữa, việc chi các khoản tiền trên cũng không đúng với các nguyên tắc, thông lệ, thủ tục thanh toán quốc tế đối với các hợp đồng xuất nhập khẩu và hợp đồng liên kết liên doanh với tổ chức kinh tế nước ngoài.

Mặt khác, các hợp đồng giữa Công ty Phương Nga với Công ty Hero Taiwan có dấu ghi là Công ty Hero Taiwan, ông Dũng là người đại diện với nhiều chức danh khác nhau, nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu như giấy ủy quyền hay các văn bản khác xác định ông Dũng là người đại diện hợp pháp của Công ty Hero Taiwan, để ký kết các hợp đồng và nhận tiền tạm ứng của Công ty Phương Nga, trong khi đó ông Dũng là người Việt Nam. Thực tế (theo xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm) thì ông Dũng là chủ Doanh nghiệp tư nhân Đại Hiệp (có trụ sở và đăng ký tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), và Doanh nghiệp Đại Hiệp cũng đã từng ký hợp đồng nhập khẩu gỗ của Công ty Hero Taiwan. Nhưng cho đến nay Doanh nghiệp tư nhân Đại Hiệp cũng đã ngừng hoạt động và ông Dũng cũng không có mặt tại địa phương.

Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác minh làm rõ có hay không có Công ty Hero Taiwan Campuchia trong thực tế; ông Dũng, ông Bình có phải là những người được đại diện hợp pháp của Công ty Hero ủy quyền để ký các hợp đồng, nhận tiền của Công ty Phương Nga hay không? Việc Công ty Phương Nga chi, tạm ứng số lượng tiền lớn cho ông Dũng, ông Bình đã đúng với quy định về quản lý tài chính, thanh toán quốc tế hay chưa? Số tiền trên thực chất có được chuyển cho Công ty Hero Taiwan (nếu có Công ty Hero Taiwan) hay là các cá nhân tự giao dịch với nhau với danh nghĩa đại diện cho Công ty Hero; các hợp đồng do Công ty Phương Nga ký kết với Công ty Hero Taiwan là có thật hay không?

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng đã giải quyết vụ án đều là chưa đủ căn cứ.

Hơn nữa, trong thực tế có biểu hiện các chứng từ, tài liệu có liên quan đến Công ty Hero Taiwan do đại diện Công ty Phương Nga xuất trình có dấu hiệu giả mạo và có dấu hiệu tội phạm có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Lẽ ra, phải áp dụng khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự kiến nghị và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời áp dụng khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự mới đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra dấu hiệu tội phạm khi giải quyết vụ án, từ đó không kiến nghị và chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét giải quyết mà đã tiến hành giải quyết vụ án là sai.

Ngoài ra, theo các chứng từ do Công ty Phương Nga xuất trình, ngoài ông Dũng ký nhận tiền thì còn có ông Bình, ông Thanh ký nhận tiền, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa lấy lời khai của họ, không cho đối chất và không đưa họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu người tham gia tố tụng.

Bởi các lẽ trên; căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 310/2007/DSPT ngày 27-9-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 27-6-2007 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai về vụ án “Tranh chấp sở hữu chung hỗn hợp” giữa nguyên đơn là ông Đậu Ngọc Long với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nga; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Hero Taiwan (Campuchia).

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai giải quyết sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ có hay không có Công ty Hero Taiwan (Campuchia) tồn tại trong thực tế, nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ. Hơn nữa, vụ án có dấu hiệu tội phạm có liên quan đến yếu tố nước ngoài, đáng lẽ Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

 
bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, tâm lý học, phòng chống tội phạm, Luật sư Nông Thị Hồng Hà, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Phan Kế Bính, , Vnexpress, công an nhân dân, vụ án, bị can, bị cáo, người chưa thành niên, Luật sư bào chữa, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ luật tố tụng hình sự, người tham gia tố tụng, người bị hại, điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, khởi kiện, tranh chấp, thụ lý, hòa giải, lao động, hành chính, kinh tế, đất đai, ly hôn, tài sản, thừa kế, khu đô thị mới, căn hộ, ranh giới, cơ quan tiến hành tố tụng, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, tâm lý học, phòng chống tội phạm, bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, người đại diện hợp pháp, từ chối, các biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam, hậu quả xấu, lấy lời khai, hỏi cung, thời gian, địa điểm, cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế, độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, xét xử lưu động, còng tay, phương tiện, cưỡng chế, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý, tiêu cực, chống đối, gây mất trật tự tại phiên toà, đại diện của gia đình bị cáo, hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, phạt tù, án treo, trắng án, giám sát, tái hòa nhập cộng đồng, người làm chứng, quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, kiểm tra dấu vết, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình, xét xử kín, xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, tham khảo, trộm cắp, cướp, giết người, công vụ, tham ô, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, kinh doanh, thương mại, hợp đồng, doanh nghiệp, bảo hiểm, cố ý gây thương tích, án oan, vu khống, làm giả, làm nhục, khiếu nại, tố cáo, bắt cóc, cưỡng đoạt, chiếm đoạt, lừa đảo, hàng giả, đầu cơ, trốn thuế, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, ma túy, giao thông, đua xe,
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: