Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm số 17/2005/HS-GĐT Ngày 14/9/2005 Về vụ án Dương Văn Thiệu phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”

Cập nhật: 23-08-2011 17:01:57

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 17/2005/HS-GĐT NGÀY 14-9-2005 VỀ VỤ ÁN DƯƠNG VĂN THIỆU PHẠM TỘI “VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 14 tháng 9 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Dương Văn Thiệu, sinh năm 1984; trú quán: thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 12/12; con ông Dương Văn Thinh và bà Võ Thị Liêm; hiện đang cải tạo tại Trại giam Công an tỉnh Quảng Ninh từ ngày 10-12-2004.
Trong vụ án này còn có Nguyễn Văn Bình bị xử phạt 24 tháng tù về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
NHẬN THẤY:
Khoảng 17 giờ ngày 08-02-2004, Dương Văn Thiệu không có giấy phép lái xe đã đến thuê xe mô tô nhãn hiệu ORIENTAL 110 cm3 của Nguyễn Văn Bình (xe chưa đăng ký). Bình biết Thiệu không có giấy phép lái xe nhưng vẫn cho Thiệu thuê. Sau khi thuê xe của Bình, Thiệu lái xe chở Đinh Văn Bạo, Đậu Thành Huế và Đỗ Quang Chiến sang xã Quảng La chơi. Đến 21 giờ Thiệu chở ba người trên về, khi đến cầu Quảng La 1, gặp đường cua, do xe chở bốn người gây vướng và hạn chế tay lái điều khiển khi vào cua, nên xe mô tô do Thiệu điều khiển lao thẳng sang trái đường rơi xuống suối làm anh Đậu Thành Huế chết, anh Đỗ Quang Chiến bị thương tổn hại 40% sức khoẻ, anh Đinh Văn Bạo bị thương tổn hại 10% sức khoẻ.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 265/HSST ngày 29-6-2004, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng các điểm a, d khoản 2 Điều 202; điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Dương Văn Thiệu 36 tháng tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ngày 5-7-2004, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn kháng cáo của Dương Văn Thiệu (đề ngày 5-6-2004) xin được hưởng án treo.
Do Dương Văn Thiệu có đơn gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đề nghị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình nên ngày 15-7-2004, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản số 59/TGPL cử Luật sư Đỗ Tuấn Nga - Văn phòng Luật sư Quảng Ninh thực hiện bào chữa miễn phí cho Dương Văn Thiệu tại phiên toà phúc thẩm do Toà án nhân dân tối cao xét xử.
Ngày 24-9-2004, bà Vũ Thị Liêm là mẹ đẻ của bị cáo Dương Văn Thiệu có đơn đề nghị hoãn phiên toà (đơn có xác nhận của chính quyền địa phương) với lý do gia đình bà nhận được giấy triệu tập của Toà án nhưng vì con bà là bị cáo Dương Văn Thiệu đi làm xa, gia đình chưa liên lạc được với Thiệu.
Trước khi khai mạc phiên toà, Luật sư Đỗ Tuấn Nga cũng xin hoãn phiên toà nhưng Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1609/PTHS ngày 28-9-2004 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Văn Thiệu và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo.
Ngày 30-12-2004, Văn phòng Luật sư Quảng Ninh có công văn số 02/LSQN kiến nghị bản án hình sự phúc thẩm nêu trên. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại vì Hội đồng xét xử vi phạm Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tại Quyết định số 17/QĐ/VKSTC-V3 ngày 13-7-2005 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1609/PTHS ngày 28-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ án phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do: bị cáo Dương Văn Thiệu vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm ngày 28-9-2004 có lý do chính đáng. Bởi vì, gia đình bị cáo đã nhận được giấy triệu tập của Toà án nhưng bị cáo đi làm xa, gia đình bị cáo chưa liên lạc được nên bà Vũ Thị Liêm là mẹ của bị cáo viết đơn và có xác nhận của chính quyền địa phương trực tiếp đến Toà đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà. Luật sư Đỗ Tuấn Nga, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, mặc dù không nhận được giấy báo của Toà án mà chỉ biết được lịch xét xử vụ án thông qua Đoàn Luật sư Quảng Ninh đã đến phiên toà đề nghị hoãn phiên toà nhưng Hội đồng xét xử vẫn nhận định trong bản án là bị cáo, Luật sư vắng mặt không có lý do chính đáng; Toà phúc thẩm vẫn đưa vụ án ra xét xử và quyết định bác đơn kháng cáo của bị cáo là không đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, vi phạm các Điều 245, Điều 247, Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao
đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm
số 1609/PTHS ngày 28-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại với sự có mặt của bị cáo Dương Văn Thiệu và Luật sư Đỗ Tuấn Nga tại phiên toà.
XÉT THẤY:
Sau khi bị Toà án cấp sơ thẩm phạt tù, bị cáo Dương Văn Thiệu đang được tại ngoại đã làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã gửi giấy triệu tập phiên toà cho Dương Văn Thiệu đến đúng địa chỉ nơi bị cáo đang cư trú và mẹ bị cáo đã nhận được giấy triệu tập này. Ngày 24-9-2004, bà Vũ Thị Liêm (mẹ đẻ của bị cáo Dương Văn Thiệu) có đơn xin hoãn phiên toà vì bị cáo đi làm xa, không liên hệ được. Như vậy việc vắng mặt của bị cáo tại phiên toà phúc thẩm là có lý do khách quan. Luật sư Đỗ Tuấn Nga được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh cử làm người bào chữa cho Dương Văn Thiệu tuy không nhận được giấy báo của Toà phúc thẩm nhưng đã nhận được lịch xét xử do Đoàn Luật sư chuyển đến và Luật sư Đỗ Tuấn Nga đã đến đọc hồ sơ. Ngày 28-9-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà xét xử phúc thẩm tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh; trước khi khai mạc phiên toà, Luật sư Đỗ Tuấn Nga có đến xin hoãn phiên toà nhưng chưa có ý kiến của Hội đồng xét xử thì Luật sư Nga đã bỏ đi. Như vậy sự vắng mặt của Luật sư Nga là không có lý do chính đáng. Trước khi quyết định xét xử vắng mặt bị cáo và Luật sư, Chủ toạ phiên toà đã hỏi ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà phúc thẩm và đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị xử vắng mặt bị cáo và Luật sư.
Mặt khác, về tội danh và hình phạt, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án đối với Dương Văn Thiệu là có căn cứ, đúng pháp luật.
Từ những nhận xét trên thì việc Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo và Luật sư và ra bản án phúc thẩm nêu trên (giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm) là không vi phạm khoản 2 Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Không chấp nhận kháng nghị số 17/QĐ/VKSTC-V3 ngày 13-7-2005 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 1609/PTHS ngày 28-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với bị cáo Dương Văn Thiệu.
____________________________________________
- Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Việc xét xử vắng mặt bị cáo tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, không vi phạm thủ tục tố tụng.
 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: