Quyết định Giám đốc thẩm

Quyết định Giám đốc thẩm số 02/HĐTP-HC ngày 26/4/2005 về vụ án tranh chấp hành chính “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Cập nhật: 26-08-2011 10:21:06

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 02/HĐTP-HC NGÀY 26-4-2005 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HÀNH CHÍNH “KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 26 tháng 4 năm 2005 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hành chính có các đương sự:

Người khởi kiện: Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam do bà Trần Thị Bạch Liên là chủ Cơ sở.

Địa chỉ FB 6 đường Nguyễn Hồng Đào, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Người bị kiện: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

NHẬN THẤY:

Ngày 28-5-2003, chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 34/QĐ-UB chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra hành chính tại Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam do Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam sản xuất và kinh doanh hàng hoá vi phạm về sở hữu công nghiệp.

Ngày 30-5-2003, Đội quản lý thị trường 5A thuộc Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam đang nhận 27 bó ruột bao bì mỹ phẩm không có nội dung (mầu trắng). Cùng ngày Đội quản lý thị trường 5A kết hợp cùng Công an địa phương tiến hành kiểm tra hành chính tại Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam do bà Trần Thị Bạch Liên là chủ Cơ sở.

Qua kiểm tra, phát hiện tại Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam có nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hoá (chữ Miss) và kiểu dáng công nghiệp (chai nước hoa hình cô gái) do Công ty mỹ phẩm Sài Gòn làm chủ quyền hợp pháp và vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá. Đội quản lý thị trường 5A đã tạm giữ hàng chờ làm rõ, lập biên bản kiểm tra thị trường đối với Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam và xác định Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam vi phạm Điều 50 Chương 5 Nghị định số 36/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

Ngày 19-6-2003, Cục sở hữu công nghiệp có Công văn số 851/KN gửi Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh với nội dung việc sử dụng nhãn hiệu chữ “Miss”và sử dụng kiểu dáng của Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 805 Bộ luật dân sự.

Ngày 26-6-2003, Đội quản lý thị trường 5A lập biên bản làm việc xác định Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty mỹ phẩm Sài Gòn theo quy định tại Điều 50 Nghị định 63/CP được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 của Chính phủ và Điều 805 Bộ luật dân sự.

Ngày 27-6-2003, Đội quản lý thị trường 5A có Tờ trình gửi Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh xin gia hạn thêm thời gian làm việc đối với Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam từ ngày 12-7-2003 đến ngày 22-8-2003. Phó Chi cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã ký duyệt.

Ngày 31-7-2003, Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 281/QLTT-Đ5A đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt hành chính đối với Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam về hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp theo khoản 2 Điều 9 Nghị định
số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 và hành vi vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá theo điểm a, khoản 12, Điều 10a Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 3-1-2002 và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trên sản phẩm.

Ngày 11-8-2003, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3271/QĐ-UB xử lý vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Bạch Liên với nội dung: áp dụng hình thức xử phạt chính về hành vi vi phạm quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là 70.000.000 đồng và hành vi sản xuất hàng hoá vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá là 5.000.000 đồng, tổng số tiền phạt là 75.000.000 đồng và hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của bà Trần Thị Bạch Liên thời hạn là
01 năm; tịch thu tiêu huỷ các sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp buộc bà Trần Thị Bạch Liên chủ kinh doanh Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam loại bỏ yếu tố vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (chữ Miss) trên các loại hàng hoá; buộc đình chỉ lưu thông hàng hoá vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá... Bà Trần Thị Bạch Liên khiếu nại Quyết định số 3271/QĐ-UB nói trên của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 16-10-2003, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 4438/QĐ-UB giữ nguyên quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 20-10-2003 bà Trần Thị Bạch Liên khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu huỷ Quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau đó, bà Trần Thị Bạch Liên rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 11/HCST ngày 25-2-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định các đơn khởi kiện của Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam yêu cầu huỷ Quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và lĩnh vực thương mại.

Ngày 1-3-2004, Trần Thị Bạch Liên là chủ Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam có đơn kháng cáo.

Tại bản án hành chính phúc thẩm số 30/HCPT ngày 9-8-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sửa bản án sơ thẩm, huỷ quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và lĩnh vực thương mại.

Tại Quyết định số 02/HC-TK ngày 31-1-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 30/HCPT ngày 9-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm với nhận định: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ có đủ cơ sở kết luận Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam đã có hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp và quy chế ghi nhãn hiệu hàng hoá. Việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Bạch Liên, chủ Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam là cần thiết, nhưng quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được ban hành đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Vì ngày lập biên bản là ngày 26-6-2003 nhưng đến
ngày 11-8-2003 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành quyết định xử phạt, Đội quản lý thị trường 5A có văn bản xin gia hạn thêm thời gian làm việc đối với Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam, chứ không làm thủ tục xin gia hạn thời hạn xử phạt; hơn nữa, Đội quản lý thị trường 5A lại là cấp không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp đã hết thời hạn xử lý hành chính, không gia quyết định xử phạt nhưng cũng có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Nên việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để quyết định huỷ toàn bộ Quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (huỷ phần áp dụng hình phạt tiền và huỷ cả phần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi hành chính gây ra) là không đúng pháp luật.

Tại Kết luận số 04/KL-AHC ngày 28-3-2005 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại phiên toà giám đốc thẩm Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí với kháng nghị số 02/HC-TK ngày 31-1-2005 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ, đã có đủ sơ sở kết luận Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam có hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp và quy chế ghi nhãn hiệu hàng hoá.Việc chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 xử phạt hành chính đối với bà Trần Thị Bạch Liên, chủ Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam là cần thiết. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì việc xin gia hạn thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ sở sản xuất mỹ phẩm Thành Nam của Đội Quản lý thị trương 5A thuộc chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; nhưng dù có thiếu sót này như bản án phúc thẩm nêu ra thì cũng chưa đủ căn cứ để kết luận toàn bộ các biện pháp xử lý tại quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đều không đúng pháp luật. Do đó, việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để quyết định huỷ toàn bộ Quyết định số 3271/QĐ-UB ngày 11-8-2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là không đúng pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quy chế ghi nhãn hàng hoá. Từ các nhận định trên thấy rằng cần huỷ bản án hành chính phúc thẩm số 30/HCPT ngày 9-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để Toà phúc thẩm Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 3 Điều 72 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ bản án hành chính phúc thẩm số 30/HCPT ngày 9-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án về Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

____________________________________________

- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

1. Việc áp dụng khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là không đúng;

2. Quyết định của bản án phúc thẩm không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quy chế ghi nhãn hiệu hàng hoá.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bán án phúc thẩm:

Vận dụng không đúng quy định của pháp luật.

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: