Quyết định Giám đốc thẩm

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 02/2010/DS-GĐT NGÀY 07-01-2010 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC: TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ HÙN VỐN

Cập nhật: 29-09-2011 16:14:09

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 02/2010/DS-GĐT NGÀY 07-01-2010 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC: TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ HÙN VỐN
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁNTOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 07 tháng 01 năm 2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hùn vốn” giữa:

Nguyên đơn:

Bà: Võ Thị Kim Hường (tức Thuý) sinh năm 1970; trú tại 158/5 Bùi Minh trực, phường 5, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh; uỷ quyền cho ông Nguyễn Hùng và ông Nguyễn Anh Trí đại diện.

Bị đơn:

Ông Phạm Văn Tăng sinh năm 1940; trú tại 385 Chợ Cầu Muối, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh; uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Chiến đại diện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1) Bà Ngô Thị Nhẫn sinh năm 1949; trú tại 404 Chợ Cầu Muối, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh; uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Chiến đại diện.

2) Ông Lee Chin Hsien sinh năm 1941; địa chỉ: Shunda YI Tranding, Ltd. No.67, Kung Chiao Str, Ping Tung City, Ping Tung, Taiwan R.O.C (Đài Loan).

3) Bà Trần Thị Tiều sinh năm 1933; trú tại 15/22, khu phố 2, phường Bình Hưng Hoà, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện ngày 11-10-2000 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Hường (do ông Nguyễn Hùng và ông Nguyễn Anh Trí đại diện theo uỷ quyền) trình bày:

Cuối tháng 4 -1998, bà Võ Thị Kim Hường (tức Thuý) và ông Phạm Văn Tăng (chủ cơ sở sản xuất Năm Gừng) hợp đồng miệng với nhau hợp tác kinh doanh hàng nông sản chế biến (đậu xanh nguyên hạt, gừng già, mè bóc vỏ), trị giá hợp đồng 3.600.000.000 đồng; hai bên thoả thuận là bà Hường ứng tiền trước mua hàng, còn ông Tăng mua hàng, bảo quản, quản lý và tiêu thụ hàng hoá; sau khi trừ chi phí và hoàn vốn cho bà Hường, lợi nhuận chia đôi.

Thực hiện hợp đồng này, từ ngày 02-5-1998 đến ngày 16-8-1998, bà Hường đã giao cho cơ sở Năm Gừng số tiền là 239.770 USD (giao 10 lần) để mua hàng; cụ thể: ngày 02-5-1998, giao 29.900 USD; ngày 07-5-1998 giao 30.000 USD; ngày 18-6-1998 giao 20.000 USD; ngày 29-6-1998 giao 25.000 USD; ngày 04-7-1998 giao 25.000 USD; ngày 17-7-1998 giao 25.000 USD; ngày 05-8-1998 giao 15.000 USD; ngày 16-8-1998 giao 20.000 USD. Ngoài ra, ngày 28-8-1998 bà Hường còn cho bà Ngô Thị Nhẫn (vợ ông Tăng) đại diện cơ sở Năm Gừng mượn 8.000 USD.

Sau khi nhận tiền, cơ sở Năm Gừng không mua hàng như đã thoả thuận, mà lại chiếm dụng tiền của bà Hường. Do không có khả năng trả nợ ngay, nên năm 2000, ông Tăng giao cho bà Hường giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 1278m2 (đứng tên Trần Thị Tiều do ông Tăng nhận chuyển nhượng đất năm 1995) để gia hạn trả nợ. Nay bà Hường yêu cầu ông Tăng, bà Nhẫn trả 239.770 USD và 8.000 USD (quy ra 4.022.029.620 đồng Việt Nam) và bà Hường sẽ trả lại cho ông Tăng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên.

Bị đơn là ông Phạm Văn Tăng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị Nhẫn (đều do ông Nguyễn Văn Chiến đại diện theo uỷ quyền) trình bày:

Năm 1998, cơ sở Năm Gừng (sau này chuyển thành Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Năm Gừng) không hợp tác kinh doanh với bà Hường; không nhận tiền của bà Hường. đến ngày 29-3-2000, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Năm Gừng mới ký “Hợp đồng gia công ớt muối” với bà Hường (hợp đồng này hết hiệu lực ngày 31-12-2000).

Từ năm 1993 đến năm 1999 cơ sở Năm Gừng hợp tác kinh doanh với ông Lee Chin Hsien (gọi tắt là ông Lee, thuộc Công ty Fortunate Man Trading Co. LTD, Taiwan R.O.C) theo đó, cơ sở Năm Gừng thu mua nguyên liệu (ớt muối, gừng muối, bắp cải, hành phi), gia công chế biến, đóng gói, hoàn chỉnh tại cơ sở Năm Gừng, rồi xuất khẩu sang Đài Loan cho Công ty Fortunate Man Trading Co., LTD do ông Lee đại diện (uỷ thác xuất khẩu qua công ty Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, ông Lee chuyển trả tiền (qua Ngân hàng) cho cơ sở Năm Gừng. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 27-7-2001, ông Tăng lại khai: Cơ sở Năm Gừng nhận tiền do ông Lee trả qua Công ty Thanh niên xung phong; qua chuyển khoản; nhận trực tiếp qua bà Hường, trong đó, nhận trực tiếp từ bà Hường 239.770 USD). Bà Hường vừa là phiên dịch vừa là “vợ bé” ông Lee, nên được ông Lee uỷ quyền theo dõi hoạt động của cơ sở Năm Gừng để báo cáo ông Lee biết. Cơ sở Năm Gừng giao dịch làm ăn với ông Lee thông qua bà Hường.

Khoảng cuối năm 1998, bà Hường yêu cầu bà Nhẫn đối chiếu số tiền mà ông Lee đã trả tiền hàng cho cơ sở Năm Gừng và yêu cầu bà Nhẫn viết lại phiếu thu để bà Hường báo cáo ông Lee. Do tin tưởng bà Hường, nên bà Nhẫn đã tập hợp các chứng từ của Ngân hàng và đại diện cơ sở Năm Gừng viết phiếu thu đứng tên bà Hường (mỗi phiếu thu tương ứng với một chứng từ Ngân hàng). Các phiếu thu này có số thứ tự từ số 1 đến số 10 (tuy đề ngày, tháng khác nhau, nhưng được bà Nhẫn viết trong cùng một thời điểm). Ông Tăng, bà Nhẫn không nhận 239.770 USD của bà Hường; bà Nhẫn yêu cầu giám định các phiếu thu nói trên (vì cho rằng các phiếu thu đó được viết, ký trong cùng một thời điểm).

Ông Tăng mượn 8.000 USD của ông Lee nhưng chưa nhận tiền. Theo yêu cầu của ông Lee, bà Hường chuyển số tiền này cho bà Nhẫn. Do bà Nhẫn nhận tiền từ bà Hường nên viết giấy biên nhận (ngày 28-8-1998) đứng tên bà Hường. Sau đó, ông Tăng đã xuất khẩu cho ông Lee lô hàng trị giá 14.040 USD; ông Lee đã trả cho ông Tăng 4.500 USD và bù trừ 8.000 USD mà ông Tăng mượn nói trên, cộng là 12.500 USD; nên ông Lee vẫn nợ ông Tăng 1.540 USD.

Do đó, ông Tăng, bà Nhẫn không đồng ý trả bà Hường 247.770 USD và yêu cầu bà Hường trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đứng tên bà Tiều nói trên).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lee Chin Hsien trình bày:

Từ năm 1994 đến năm 2000, ông và cơ sở Năm Gừng có quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau. Ông thanh toán tiền cho cơ sở Năm Gừng qua ngân hàng và có khi trả bằng tiền mặt (khi ông trả bằng tiền mặt thì tên ông được ghi trên giấy tờ). Khi không làm ăn với nhau nữa thì hai bên đã quyết toán xong. Ông Tăng không nợ ông khoản tiền nào. Ông và bà Hường có 1 con chung (bà Hường là vợ ông, không có đăng ký kết hôn). Ông có cho bà Hường 200.000 USD để đầu tư kinh doanh. Ông không cho ông Tăng, bà Nhẫn mượn 8.000 USD. Số tiền 247.770 USD của bà Hường. Ông không làm ăn với bà Tiều, không giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Tiều. Việc ông Tăng, bà Nhẫn nợ bà Hường không liên quan đến ông.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Tiều trình bày: Năm 1995, bà chuyển nhượng cho ông Tăng 1.278m2 đất tại 17/1 ấp 5, Bình Hưng Hoà, huyện Bình Chánh và đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tăng. Ông Tăng đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này cho ông Lee; ông Lee giao lại giấy đó cho bà Hường giữ. Bà yêu cầu bà Hường trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ông Tăng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 65/DSST ngày 27-7-2001, Toà án nhân dân huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu đòi lại tiền do hùn hạp mua bán của bà Võ Thị Kim Hường đại diện có ông Nguyễn Hùng đối với Doanh nghiệp tư nhân Năm Gừng do ông Phạm Văn Tăng làm chủ doanh nghiệp.

Buộc Doanh nghiệp tư nhân Năm Gừng do ông Phạm Văn Tăng và bà Ngô Thị Nhẫn làm chủ có trách nhiệm trả lại cho bà Võ Thị Kim Hường 247770 USD tương đương 3.699.701.640 đồng, thời gian trả ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. Bác yêu cầu của chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Gừng là ông Phạm Văn Tăng và bà Ngô Thị Nhẫn về việc không đồng ý trả tiền cho bà Võ Thị Kim Hường.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm trả nếu chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 02-8-2001, ông Phạm Văn Tăng có đơn kháng cáo không đồng ý trả cho bà Hường 247.770 USD.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 1505/DSPT ngày 11-9-2003 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Huỷ Bản án sơ thẩm 65/DSST ngày 27-7-2001 của Toà án nhân dân huyện Bình Chánh xử việc đòi nợ giữa nguyên đơn bà Võ Thị Kim Hường; bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân Năm Gừng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị Nhẫn. Giữ hồ sơ vụ án để Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2006/DS-ST ngày 10-01-2006, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Căn cứ khoản 3, Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 34, khoản 2 Điều 200, khoản 1 Điều Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực từ ngày 01-01-2005. Căn cứ Điều 467, 471 Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1996. Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản. Căn cứ Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí.

1) Bác yêu cầu của bà Võ Thị Kim Hường (Thuý) có ông Nguyễn Anh Trí đại diện theo uỷ quyền đòi ông Phạm Văn Tăng và bà Ngô Thị Nhẫn trả 239.770 USD tương đương 3.815.138.400đ.

2) Chấp nhận yêu cầu của bà Võ Thị Kim Hường (Thuý) đòi ông Phạm Văn Tăng, bà Ngô Thị Nhẫn trả 8.000 USD tương đương 127.360.000 đ. Buộc ông Tăng, bà Nhẫn có trách nhiệm liên đới trả cho bà Hường (Thuý) 127.360.000đ tương đương 8.000 USD ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

3) Buộc bà Võ Thị Kim Hường (Thuý) có trách nhiệm trả ông Phạm Văn Tăng bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 153/QSDĐ do Uỷ ban nhân dân huyện Bình Chánh cấp ngày 24-4-1995 đứng tên bà Trần Thị Tiều ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm trả nếu chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp.

Ngày 20-01-2006, ông Phạm Văn Tăng kháng cáo không đồng ý trả 8.000 USD cho bà Hường và xin miễn án phí.

Ngày 23-01-2006, bà Võ Thị Kim Hường kháng cáo cho rằng, vợ chồng ông Tăng ký nhận 10 phiếu thu và đã nhận của bà 239.770 USD, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không buộc vợ chồng ông Tăng trả cho bà số tiền này (quy ra tiền đồng Việt Nam) là không đúng.

Ngày 01-3-2006, ông Lee Chi Hsien kháng cáo với nội dung: Ông không uỷ quyền cho bà Hường trông coi hãng xưởng Năm Gừng; tờ uỷ quyền (đề ngày 01-6-1996) đứng tên ông, do ông Tăng xuất trình không phải chữ viết và chữ ký của ông; “nếu cần thiết để làm rõ sự việc, xin Toà cho giám định giấy uỷ quyền này”. Ông Tăng, bà Nhẫn mượn của bà Hường 239.770 USD và 8.000 USD là tiền riêng của bà Hường, nên phải trả cho bà Hường.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 213/2006/DSPT ngày 9-6-2006, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Sửa bản án sơ thẩm. Xử chấp nhận yêu cầu đòi lại 247.770 USD do hùn hạp mua bán giữa bà Võ Thị Kim Hường (Thuý) với Doanh nghiệp tư nhân Năm Gừng do ông Phạm Văn Tăng làm chủ.

Buộc ông Phạm Văn Tăng, bà Ngô Thị Nhẫn trả cho bà Võ Thị Kim Hường (Thuý) 247.770 USD được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam lúc thi hành án theo tỷ giá hối đoái mua vào của Ngân hàng Nhà nước. Bà Võ Thị Kim Hường trả lại cho ông Tăng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Trần Thị Tiều trên diện tích 1278m2 đất, sau khi đã nhận đủ tiền (thi hành song song trong khi thi hành án).

Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm, không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau đó, ông Phạm Văn Tăng và bà Ngô Thị Nhẫn có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nói trên.

Tại Quyết định số 242/2009/KN-DS ngày 3-6-2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm số 213/2006/DSPT ngày 9/6/2006 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án phúc thẩm nêu trên và huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2006/DS-ST ngày 10-01-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị số 242/2009/KN-DS ngày 03-6-2009 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 213/2006/DSPT ngày 9-6-2006 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 25/2006/DS-ST ngày 10-01-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

XÉT THẤY

Tuy ông Tăng, bà Nhẫn đã nhận 247.770 USD nhưng lại cho rằng trong số tiền này ông Lee ở Đài Loan trả cho cơ sở Năm Gừng 239.770 USD tiền hàng và ông Tăng đã xuất khẩu một lô hàng sang Đài Loan cho ông Lee để trừ 8.000 USD mà ông Tăng mượn ông Lee năm 1998 (do bà Hường chuyển tiền cho bà Nhẫn); ông Tăng, bà Nhẫn không thừa nhận về việc hợp tác kinh doanh hàng nông sản với bà Hường năm 1998, mà cho rằng, năm 2000 ông Tăng và bà Hường mới ký kết hợp đồng gia công ớt muối. Còn bà Hường cho rằng, giữa bà và ông Tăng (chủ cơ sở Năm Gừng) có hợp tác kinh doanh hàng nông sản chế biến và bà đã nộp 239.770 USD cho cơ sở Năm Gừng (bà Nhẫn viết 10 phiếu thu), đồng thời bà còn cho bà Nhẫn (đại diện cơ sở Năm Gừng) mượn 8.000 USD. Ông Lee xác định đã cho bà Hường 200.000 USD để đầu tư kinh doanh; ông Tăng, bà Nhẫn nợ bà Hường không liên quan đến ông; giữa ông và cơ sở Năm Gừng có quan hệ hợp tác kinh doanh từ năm 1994 nhưng đã chấm dứt làm ăn với nhau từ năm 2000 và đã quyết toán xong; ông không cho ông Tăng, bà Nhẫn vay tiền; ông Tăng, bà Nhẫn không nợ ông.

Như vậy, có hay không có hợp đồng miệng giữa bà Hường và ông Tăng về hợp tác kinh doanh hàng nông sản để xuất khẩu sang Đài Loan (năm 1998). Nếu hai bên có hợp đồng hợp tác kinh doanh thì thoả thuận hùn hạp, phân chia lỗ lãi như thế nào và số tiền ghi trong 10 phiếu thu có phải để thực hiện hợp đồng đó không? Sổ sách kế toán, sổ sách giao nhận tiền và các khoản thuế của cơ sở Năm Gừng đã nộp (nếu có) được thể hiện ra sao. Nếu hai bên không có hợp đồng hợp tác kinh doanh (năm 1998) thì bản chất số tiền ghi trong 10 phiếu thu là tiền gì? Tại sao năm 2000, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Năm Gừng và bà Hường ký hợp đồng gia công ớt muối, trong khi đó các phiếu thu lại đề năm 1998? Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ về vấn đề nêu trên.

Mặt khác, ông Tăng và ông Lee đều thừa nhận có hợp tác kinh doanh với nhau và uỷ thác xuất khẩu qua Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh (ông Lee còn khai là: Từ năm 1994 đến năm 1997 thì uỷ thác xuất khẩu qua Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh; từ năm 1997 đến năm 2000, cơ sở Năm Gừng đổi thành doanh nghiệp nên đã trực tiếp xuất khẩu). Trường hợp này, lẽ ra cần làm rõ quan hệ hợp tác kinh doanh giữa cơ sở Năm Gừng và ông Lee; giữa cơ sở Năm Gừng và ông Lee với Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh; việc hợp tác kinh doanh của ông Lee và ông Tăng uỷ thác xuất khẩu qua Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh được quyết toán uỷ thác như thế nào? Đối với việc hợp tác kinh doanh giữa ông Tăng và ông Lee, thì ông Lee trả tiền hàng cho ông Tăng bằng phương thức nào; ông Tăng có xuất khẩu lô hàng nào sang Đài Loan cho ông Lee để khẩu trừ số tiền 8.000 USD? Hai bên đã chấm dứt việc hợp tác kinh doanh từ thời gian nào và được thanh toán ra sao. Qua đó, mới xác định được bản chất số tiền bà Nhẫn ghi trong 10 phiếu thu và số tiền 8.000 USD mà bà Nhẫn ghi trong giấy biên nhận mượn của bà Hường. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh về các vấn đề nêu trên cũng chưa được thực hiện đầy đủ, nên chưa đủ cơ sở giải quyết vụ án.

Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà Hường đòi ông Tăng, bà Nhẫn trả 239.770 USD; chấp nhận yêu cầu của bà Hường đòi ông Tăng, bà Nhẫn trả 8.000 USD tương đương 127.360.000 đồng; buộc ông Tăng, bà Nhẫn có trách nhiệm liên đới trả cho bà Hường 127.360.000. Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Hường, buộc ông Tăng và bà Nhẫn trả lại cho bà Hường số tiền 247.770 USD là chưa đủ cơ sở vững chắc.

Về tố tụng: Ông Tăng và ông Lee thừa nhận có hợp tác kinh doanh với nhau và uỷ thác xuất khẩu qua Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh; nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa Công ty Thanh Niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh tham gia tố tụng để giải quyết đúng đắn vụ án, là thiếu sót.

Tại đơn kháng cáo ngày 01-3-2006, ông Lee cho rằng, ông không uỷ quyền cho bà Hường trông coi hãng xưởng Năm Gừng; tờ uỷ quyền (đề ngày 01-6-1995) đứng tên ông do ông Tăng xuất trình không phải chữ viết và chữ ký của ông; “nếu cần thiết để làm rõ sự việc, xin Toà cho giám định giấy uỷ quyền này”. Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét yêu cầu của ông Lee để tiến hành trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký của ông Lee tại giấy uỷ quyền nói trên làm cơ sở giải quyết vụ án, là vi phạm điểm b, khoản 2 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ông Lee Chi Hsien có quốc tịch Đài Loan; Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định ông Lee là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng chưa làm rõ ông Lee có sử dụng được tiếng Việt khi tham gia tố tụng dân sự hay không và có yêu cầu phiên dịch hay không, mà vẫn giải quyết vụ án là vi phạm Điều 20 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, quan hệ pháp luật của vụ án này là tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hùn vốn, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều xác định là tranh chấp hợp đồng vay tài sản là chưa đầy đủ.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

1) Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 213/2006/DSPT ngày 9/6/2006 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2006/DS-ST ngày 10/01/2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hùn vốn” giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Hường (tức Thuý); bị đơn là ông Phạm Văn Tăng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lee Chin Hsien, bà Ngô Thị Nhẫn và bà Trần Thị Tiều.

2) Giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

 
bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, tâm lý học, phòng chống tội phạm, Luật sư Nông Thị Hồng Hà, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Phan Kế Bính, , Vnexpress, công an nhân dân, vụ án, bị can, bị cáo, người chưa thành niên, Luật sư bào chữa, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ luật tố tụng hình sự, người tham gia tố tụng, người bị hại, điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, khởi kiện, tranh chấp, thụ lý, hòa giải, lao động, hành chính, kinh tế, đất đai, ly hôn, tài sản, thừa kế, khu đô thị mới, căn hộ, ranh giới, cơ quan tiến hành tố tụng, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, tâm lý học, phòng chống tội phạm, bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, người làm chứng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, người đại diện hợp pháp, từ chối, các biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam, hậu quả xấu, lấy lời khai, hỏi cung, thời gian, địa điểm, cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế, độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, xét xử lưu động, còng tay, phương tiện, cưỡng chế, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý, tiêu cực, chống đối, gây mất trật tự tại phiên toà, đại diện của gia đình bị cáo, hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, phạt tù, án treo, trắng án, giám sát, tái hòa nhập cộng đồng, người làm chứng, quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, kiểm tra dấu vết, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình, xét xử kín, xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, tham khảo, trộm cắp, cướp, giết người, công vụ, tham ô, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, kinh doanh, thương mại, hợp đồng, doanh nghiệp, bảo hiểm, cố ý gây thương tích, án oan, vu khống, làm giả, làm nhục, khiếu nại, tố cáo, bắt cóc, cưỡng đoạt, chiếm đoạt, lừa đảo, hàng giả, đầu cơ, trốn thuế, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, ma túy, giao thông, đua xe,
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: