Kiện tụng

Gửi đơn “chống án phúc thẩm” đến đâu?

Cập nhật: 04-03-2010 14:49:54

Tôi có tranh chấp với đất đai và đã qua xét xử ở tòa án huyện Tuy Phong và Tòa án tỉnh Bình Thuận nhưng tôi không đồng tính với những quyết định và cách xử án của các Tòa án trên.

Vậy sau khi có quyết định của Tòa án tỉnh mà vẫn chưa thuyết phục được tôi thì tôi phải nộp đơn đến tòa án nào sau tòa án tỉnh? Mong quý luật sư giải đáp giúp tôi! (spacepro88@...)

Công ty Luật Hồng Hà trả lời thư bạn hỏi như sau:

Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự thì Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Cũng theo quy định của Bộ luật này, đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm ( Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao; Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện).

Thẩm quyền giám đốc thẩm được quy định như sau:

- Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị.

- Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

- Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà phúc thẩm, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

Theo các quy định nói trên, vụ tranh chấp dân sự của gia đình bạn đã được xét xử qua hai câp (huyện và tỉnh) nên trong trường hợp “phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” thì bạn có quyền gửi đơn đề nghị Giám đốc thẩm đến những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm là Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Sau khi xem xét, nếu thấy khiếu nại của bạn là có căn cứ, Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ kháng nghị bản án Phúc thẩm để Toà dân sự của Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bản án Phúc thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

Đơn đề nghị Giám đốc thẩm gửi đến Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao cần kèm theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh và các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu của bạn. Địa chỉ gửi đơn là:

- Tòa án nhân dân tối cao – 48 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao – 44 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội;

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình

Công ty Luật Hồng Hà (Hà Nội)

 
Nguồn: HONGHA.VN
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: