Điều ước quốc tế

Công ước viên về quan hệ ngoại giao 1961

Cập nhật: 16-06-2011 14:47:26

Công ước viên về quan hệ ngoại giao 1961

CÔNG ƯỚC VIÊN VỀ QUAN HỆ NGOẠI GIAO

Ký ngày 18/04/1961 tại Viên

Có hiệu lực ngày 24/04/1964

VIENNACONVENTION ON DIPLOMATIC RELATIONS

Vienna, 18 April 1961

entry into force: 24 April 1964

Các nước tham gia Công ước này:

Nhắc lại rằng từ lâu đời, nhân dân tất cả các nước đều đã biết Quy chế các viên chức ngoại giao.

Nhận thức rõ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về chủ quyền bình đẳng giữa các quốc gia, việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế và sự phát triển các quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Tin chắc rằng một Công ước quốc tế về quan hệ, quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao sẽ góp phần làm cho mối quan hệ hữu nghị giữa các nước thuận lợi, dù cho các nước đó có chế độ lập hiến và xã hội khác nhau đến thế nào đi nữa.

Khẳng định rằng những nguyên tắc của tập quán luật quốc tế phải tiếp tục quy định những vấn đề không được giải quyết một cách hòan chỉnh trong những điều khoản của Công ước này.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Trong Công ước này, những danh từ sau đây phải hiểu theo nghĩa dưới đây:

a) Danh từ “Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao” chỉ người được nước cử đại diện giao cho nhiệm vụ hoạt động với tư cách đó;

b) Danh từ “Thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao” là chỉ người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao và các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao;

c) Danh từ “Nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao” là chỉ những người thuộc nhân viên ngoại giao, nhân viên hành chính và kỹ thuật, nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện ngoại giao;

d) Danh từ “Nhân viên ngoại giao” là chỉ những thành phần trong nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao có thân phận ngoại giao;

e) Danh từ “Viên chức ngoại giao” là chỉ người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người trong số nhân viên ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao;

f) Danh từ “Nhân viên hành chính kỹ thuật” là chỉ những thành phần trong nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao làm công việc hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao;

g) Danh từ “Nhân viên phục vụ” là chỉ những thành phần trong nhân viên làm công việc phục vụ cho cơ quan đại diện ngoại giao;

h) Danh từ “Người giúp việc riêng” là chỉ những người phục vụ riêng cho một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao mà không phải là những người làm công của nước cử đại diện;

i) Danh từ “Trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao” là chỉ toà nhà hoặc những bộ phận nhà cửa và đất đai thuộc các nhà đó bất kể chủ là ai được dùng vào công việc của cơ quan đại diện ngoại giao kể cả nhà ở của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 2. Việc kiến lập quan hệ ngoại giao giữa các nước về việc cử các cơ quan đại diện ngoại giao thường trú, được tiến hành theo sự thỏa thuận với nhau.

Điều 3.

1. Những chức năng chính của một cơ quan đại diện ngoại giao là:

a) Thay mặt cho nước cử đại diện tại nước nhận đại diện.

b) Bảo vệ những quyền lợi của nước cử đại diện và của những người thuộc quốc tịch nước đó tại nước nhậm đại diện, trong phạm vi được luật pháp quốc tế thừa nhận.

c) Đàm phán với Chính phủ nước nhận đại diện.

d) Tìm hiểu rằng những phương tiện hợp pháp điều kiện và sự tiến triển của tình hình nước nhận đại diện và báo cáo tình hình đó cho Chính phủ nước cử đại diện

e) Đẩy mạnh những quan hệ hữu nghị và phát triển những quan hệ kinh tế văn hoá và khoa học giữa các nước cử đại diện và nước nhận đại diện.

2. Không một điều khoản nào trong Công ước có thể được giải thích như là có ý ngăn cấm một cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện chức năng lãnh sự.

Điều 4.

1. Nước cử đại diện phải bảo đảm rằng người mà mình định cử làm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước nhận đại diện đã được nước này chấp thuận.

2. Nước nhận đại diện không bắt buộc phải cho nước cử đại diện biết lý do vì sao mình không chấp thuận.

Điều 5.

1. Sau khi đã làm thông báo hợp lệ cho các nước nhận đại diện hữu quan, nước cử đại diện có thể tuỳ theo từng trường hợp cử người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc bổ nhiệm một viên chức ngoại giao bên cạnh nhiều nước trừ khi có một trong những nước nhận đại diện phản đối việc ấy một cách rõ ràng.

2. Nếu nước cử đại diện cử một người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao bên cạnh một hoặc nhiều nước khác, thì họ có thể lập ở mỗi nước mà người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao không thường trú một cơ quan đại diện ngoại giao đứng đầu là một đại diện lâm thời.

3. người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc một viên chức ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao có thể thay mặt cho nước cử đại diện bên cạnh mọi tổ chức quốc tế.

Điều 6. Nhiều nước có thể cử chung một người làm nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao tại một nước khác, trừ khi nước nhận đại diện phản đối việc đó.

Điều 7. Trừ những quy định của các Điều 5, 8, 9, 11, nước cử đại diện được tự lựa chọn bổ nhiệm nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao. Đối với các tuỳ viên lục quân, hải quân hoặc không quân, nước nhận đại diện có thể yêu cầu được biết trước tiên các tuỳ viên đó để xét duyệt.

Điều 8.

1. Về nguyên tắc, những nhân viên ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao phải có quốc tịch nước cử đại diện.

2. Những nhân viên ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao chỉ có thể được lựa chọn trong những người có quốc tịch thuộc nước nhận đại diện khi nào có sự thỏa thuận của các nước này, sự thỏa thuận đó có thể bị nước nhận đại diện huỷ bỏ bất cứ lúc nào.

3. Nước nhận đại diện có thể cho mình quyền này đối với những người thuộc quốc tịch nước thứ ba mà cũng không thuộc nước cử đại diện.

Điều 9.

1. Nước nhận đại diện có thể bất cứ lúc nào và không cần nói rõ lý do quyết định của mình, báo cho nước cử đại diện biết rằng người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc bất cứ nhân viên ngoại giao nào là người không được chấp nhận (persona non grata) hoặc bất cứ một nhân viên nào khác của cơ quan đại diện ngoại giao là người không được thừa nhận. Nước cử đại diện tuỳ theo từng trường hợp mà triệu hồi đương sự hoặc sẽ đình chỉ chức trách của đương sự ở cơ quan đại diện ngoại giao. Một nhân viên có thể bị tuyên bố là người không được chấp thuận (non grata) hoặc không được thừa nhận trước khi vào lãnh thổ nước nhận đại diện.

2. Nếu nước cử đại diện từ chối thi hành, hoặc không thi hành trong thời gian hợp lý nhừng nghĩa vụ của mình theo khoản 1 Điều này nước nhận đại diện có thể từ chối không thừa nhận cho đương sự có tư cách là nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 10.

1. Sẽ thông báo cho Bộ Ngoại giao của nước nhận đại diện hoặc một bộ nào khác theo như đã thỏa thuận.

a) Việc bổ nhiệm các nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao, ngày đến và ngày đi hẳn hoặc ngày chấm dứt chức trách của họ ở cơ quan đại diện ngoại giao.

b) Ngày đến và ngày đi hẳn của một người thuộc gia đình một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao có cả việc một người trở thành hoặc thôi không còn là người thuộc gia đình một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao, nếu có.

c) Ngày đến và ngày đi hẳn của những người giúp việc riêng cho những người nêu ở khoản (a) trên đây, và, nếu có thì cả việc những người này thôi không phục vụ những người trên đây nữa.

d) Việc tuyển dụng và thôi việc những người ở nước nhận đại diện với tư cách là thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc làm người giúp việc riêng mà được hưởng quyền ưu đại và quyền miễn trừ.

2. Mỗi khi có thể được thì cũng phải báo trước việc đến và việc đi hẳn.

Điều 11.

1. Trường hợp không có sự thỏa thuận rõ ràng về số nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao, nước nhận đại diện có thể yêu cầu giữ con số đó đến mức mà nước này nhận thấy là hợp lý và bình thường, căn cứ vào hoàn cảnh và các điều kiện của nước này và căn cứ vào nhu cầu hữu quan.

2. Nước nhận đại diện cũng có thể, trong phạm vi mức độ và không có sự phân biệt đối xử, từ chối không chấp nhận một loại viên chức nào đó.

Điều 12. Nếu không được sự thỏa thuận rõ ràng từ trước của nước nhận đại diện, nước cử đại diện không được đặt những cơ quan thuộc thành phần của cơ quan đại diện ngoại giao ở địa phương khác ngoài nơi nhận đặt trụ sở.

Điều 13.

1. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được coi như đã đảm nhiệm những chức vụ tại nước nhận đại diện ngay sau khi báo tin đã đến và đã trao một bản sao quốc thư cho Bộ Ngoại giao của nước nhận đại diện, hoặc cho một bộ nào khác như đã thỏa thuận, theo thủ tục hiện hành của nước nhận đại diện, thủ tục này phải được áp dụng một cách thống nhất.

2. Thủ tục trình các quốc thư hoặc một bản sao các quốc thư ấy là căn cứ vào ngày và giờ đến của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao mà ấn định.

Điều 14.

1. Những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được chia làm ba cấp:

a) Cấp đại sứ hoặc đại sứ của Giáo hoàng được uỷ nhiệm bên cạnh các nguyên thủ quốc gia và các người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao khác có cấp bậc tương đương.

b) Cấp công sứ hoặc công sứ của Giáo hoàng được uỷ nhiệm bên cạnh các nguyên thủ quốc gia.

c) Cấp đại biện được uỷ nhiệm bên cạnh các Bộ Ngoại giao.

2. Trừ những việc có liên quan đến ngôi thứ và nghi thức không có sự phân biệt nào đối với các người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao vì cấp bậc của họ.

Điều 15. Các nước thỏa thuận với nhau về việc những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của mình phải thuộc vào cấp nào.

Điều 16.

1. Những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao giữ thứ bậc của mình trong mọi cấp tuỳ theo ngày giờ nhận chức, theo Điều 13.

2. Những sự thay đổi trong các quốc thư uỷ nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao mà không có thay đổi đến cấp thì không ảnh hưởng gì đến ngôi thứ của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao.

3. Điều khoản này không ảnh hưởng gì đến các thủ tục đang hoặc sẽ được nước nhận đại diện chấp thuận với ngôi thứ của đại diện Toà thánh.

Điều 17. Trật tự ngôi thứ của các nhân viên ngoại giao trong mỗi cơ quan đại diện ngoại giao thì do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao báo cho Bộ Ngoại giao hoặc một bộ nào khác theo như đã thỏa thuận.

Điều 18. Trong mỗi nước, thủ tục áp dụng việc tiếp đón các người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao đối với từng cấp phải giống nhau.

Điều 19.

1. Nếu chức vụ người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao khuyết hoặc nếu người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao không thể thi hành được nhiệm vụ của mình, thì một đại biện lâm thời sẽ làm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao. Tên của đại biện lâm thời sẽ do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao báo hoặc nếu người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao không thể làm được thì sẽ do Bộ Ngoại giao nước cử đại diện báo cho Bộ Ngoại giao nước nhận đại diện hoặc cho một bộ nào khác như đã thỏa thuận.

2. Trường hợp không có nhân viên ngoại giao nào của cơ quan đại diện ngoại giao có mặt tại nước nhận đại diện thì nước cử đại diện được sự thỏa thuận của nước nhận đại diện có thể chỉ định một nhân viên hành chính hay kỹ thuật để quản lý công việc hành chính hàng ngày của cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 20. Cơ quan đại diện ngoại giao và người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao có quyền treo cờ và quốc huy của nước cử đại diện ở trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, kể cả nhà ở của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao và trên các phương tiện giao thông của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 21.

1. Nước nhận đại diện phải tạo điều kiện dễ dàng trong phạm vi luật pháp của mình để nước cử đại diện tậu những nhà cửa trên đất mình cần thiết cho cơ quan đại diện ngoại giao, hoặc phải giúp nước cử đại diện có những nhà cửa bằng cách nào khác.

2. Nếu xét thấy cần thiết, nước nhận đại diện cũng phải giúp các cơ quan đại diện ngoại giao có được những nhà ở thích hợp cho các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 22.

1.Các nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao là bất khả xâm phạm. Các viên chức của nước nhận đại diện không được phép vào các nhà đó, trừ trường hợp được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao.

2.Nước nhận đại diện có nghĩa vụ đặc biệt phải thi hành mọi biện pháp thích đáng, để ngăn ngừa các nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao khỏi bị xâm chiếm hoặc làm hư hại, an ninh của cơ quan đại diện ngoại giao không bị quấy rối hoặc phẩm cách danh dự của cơ quan đại diện ngoại giao không bị xâm phạm.

3. Các nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao, đồ đạc và những vật dụng khác trong nhà cũng như các phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao không bị khám xét, trưng dụng, tịch biên hoặc thi hành án.

Điều 23.

1. Nước cử đại diện và người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được miễn tất cả các thứ thuế và tạp chí của Nhà nước, của địa phương hoặc của thành phố đánh vào nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao mà họ là chủ nhà, hay là người thuê, miễn không phải đóng các thứ thuế hoặc tạp chí được thu để trả công những công việc riêng đã phục vụ.

2. Sự miễn thuế ghi trong điều này, không áp dụng đối với các thứ thuế và tạp chí mà theo luật lệ Nhà nước nhận đại diện người ký kết với nước cử đại diện hoặc với người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao phải nộp.

Điều 24. Giấy tờ hồ sơ và tài liệu của cơ quan đại diện ngoại giao là bất khả xâm phạm bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu.

Điều 25. Nước nhận đại diện giúp cho cơ quan đại diện ngoại giao mọi sự dễ dàng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 26. Trừ trường hợp có các luật lệ của nước nhận đại diện về các khu vực mà việc đi vào bị ngăn cấm hoặc ó sự quy định vì lý do an ninh quốc gia, nước nhận đại diện đảm bảo cho tất cả các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao được quyền di chuyển và đi lại trên lãnh thổ của mình.

Điều 27.

1. Nước nhận đại diện cho phép và bảo vệ quyền tự do liên lạc của cơ quan đại diện ngoại giao về mọi công việc chính thức. Trong khi liên lạc với Chính phủ cũng như với các cơ quan đại diện ngoại giao và Lãnh sự quán khác của nước cử đại diện bất kỳ ở nơi nào, cơ quan đại diện ngoại giao có thể sử dụng tất cả các phương tiện liên lạc thích hợp kể cả nhân viên ngoại giao và các điện tín bằng mật mã hoặc bằng số liệu. Tuy nhiên cơ quan đại diện ngoại giao chỉ có thể đặt và sử dụng một máy phát tin bằng vô tuyến điện nếu được nước nhận đại diện thỏa thuận.

2. Những thư từ giao dịch của cơ quan đại diện ngoại giao là bất khả xâm phạm, danh từ “thư từ chính thức” hiểu là tất cả các thư từ giao dịch có liên quan đến đòan và các chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao.

3. Va-li ngoại giao không ai được mở hoặc giữ lại.

4. Những kiện hàng trong va-li ngoại giao đều phải ghi rõ ở bên ngoài những dấu hiệu về tính chất của nóvà chỉ được đựng những tài liệu ngoại giao hoặc những đồ dùng chính thức.

5. Nhân viên ngoại giao phải mang theo giấy tờ chính thức chứng nhận tư cách của mình và nêu rõ số lượng các kiện trong va-li ngoại giao. Trong khi thừa hành nhiệm vụ nhân viên ngoại giao được nước nhận đại diện bảo vệ. Nhân viên ngoại giao có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và không thể bị bắt hoặc giam giữ bất cứ dưới hình thức nào.

6. Nước cử đại diện hoặc cơ quan đại diện ngoại giao có thể cử những nhân viên ngoại giao lâm thời. Trong trường hợp này, các quy định ở khoản 5 của Điều này cũng vẫn áp dụng, nhưng những quyền miễn trừ ghi trong đó sẽ không thi hành nữa ngay sau khi nhân viên đã trao va-li ngoại giao do mình phụ trách cho người nhận.

7. Va-li ngoại giao có thể giao cho viên chỉ huy của chiếc máy bay thương mại, máy bay này hạ xuống một cửa khẩu đã được phép. Người trưởng máy bay phải mang theo giấy tờ chính thức ghi rõ số lượng các kiện hàng trong va-li ngoại giao, nhưng người này không được coi là nhân viên ngoại giao. Cơ quan đại diện ngoại giao có thể cử một người trong số thành viên của mình để trực tiếp và tự đi nhận va-li ngoại giao tận tay người trưởng máy bay.

Điều 28. Những khoản lệ phí và đóng góp mà cơ quan đại diện ngoại giao thu về các chứng từ chính thức đều được miễn các thứ thuế và tạp chí.

Điều 29. Thân thể của các viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt và giam giữ dưới bất kỳ hình thức nào.Nước nhận đại diện phải đối xử kính trọng một cách thích đáng và có những biện pháp hợp lý để tránh xúc phạm đến thân thể, tự do và phẩm cách của họ.

Điều 30.

1. Nhà ở riêng của viên chức ngoại giao cũng được quyền bất khả xâm phạm và được bảo vệ như những nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao.

2. Những tài liệu, thư từ của viên chức ngoại giao trừ khoản 3 Điều 31 những tài sản của viên chừc ngoại giao cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm.

Điều 31.

1. Viên chức ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài phán hình sự của nước nhận đại diện. Viên chức ngoại giao cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài phán dân sự và hành chính trừ trường hợp:

a) Vụ kiện về bất động sản tư ở trên lãnh thổ của nước nhận đại diện (trừ phi viên chức ngoại giao có bất động sản do nhân danh nước cử đại diện và để phục vụ cho cơ quan đại diện ngoại giao)

b) Vụ kiện về thừa kế trong đó viên chức ngoại giao là người chấp hành di chúc, người quản lý, người thừa kế hoặc người hưởng gia tài theo di chúc, với tư cách cá nhân chứ không phải nhân danh nước cử đại diện.

c) Vụ kiện về bất kỳ một nghề tự do hoặc hoạt động thương mại gì, của viên chức ngoại giao làm ngoài chức vụ chính thức của mình ở nước nhận đại diện.

2. Viên chức ngoại giao không bắt buộc phải ra làm chứng.

3. Không được có một biện pháp thi hành nào đối với viên chức hoặc nhân viên ngoại giao, trừ các trường hợp ghi ở các tiết (a),(b),(c) thuộc khoản 1 của Điều này, miễn là việc thi hành đó có thể thực hiện được mà không phải vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở của viên chức ngoại giao.

4. Quyền miễn trừ về tài phán của một nhân viên ngoại giao tại nước nhận đại diện không thể miễn cho người đó khoản quyền tài phán của nước cử đại diện.

Điều 32.

1. Nước cử đại diện có thể bỏ quyền miễn trừ về tài phán của các viên chức ngoại giao, của những người được hưởng quyền miễn trừ theo Điều 37.

2. Sự từ bỏ này bao giờ cũng phải nói rõ.

3. Nếu một viên chức ngoại giao hay một người được hưởng quyền miễn trừ về tài phán theo Điều 37 khởi đơn kiện thì họ không còn là thành viên được quyền miễn trừ về tài phán đối với một đơn phản tố có liên quan trực tiếp đến đơn vị tố tụng.

4. Sự từ bỏ quyền miễn trừ về tài phán trong một vụ kiện cáo về dân sự hoặc hành chính không được coi như bao hàm sự từ bỏ quyền đó đối với những biện pháp thi hành bản án, đối với những biện pháp thi hành này, cần phải có mọi sự tuyên bố từ bỏ riêng.

Điều 33.

1. Trừ những quy định của khoản 3 Điều này, thì trong các công việc phục vụ cho nước cử đại diện, viên chức ngoại giao được miễn về các điều khoản bảo hiểm xã hội hiện hành ở nước nhận đại diện.

2. Việc được miễn nói ở khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với những người chỉ phục vụ riêng cho viên chức ngoại giao với điều kiện là:

a) Họ không thuộc quốc tịch nước nhận đại diện hoặc không cư trú thường xuyên ở nước nhận đại diện.

b) Họ phải tuân theo những quy định về bảo hiểm xã hội có thể đang thi hành ở nước cử đại diện hoặc ở một nước thứ ba.

3. Viên chức ngoại giao có những người phục vụ mà đối với những người có quyền được miễn trừ ở khoản 2 Điều này không áp dụng thì phải tuân theo những nghĩa vụ mà các quy định về bảo hiểm xã hội của nước nhận đại diện đề ra cho người thuê nhân công.

4. Việc được miễn ghi ở khoản 1 và 2 Điều này không loại trừ việc tự nguyện tham gia theo chế độ bảo hiểm xã hội của nước nhận đại diện, trong chừng mực mà nước này cho phép tham gia.

5. Những quy định của Điều này không ảnh hưởng gì đến các điều ước giữa hai nước hoặc giữa nhiều nước về bảo hiểm xã hội đã ký kết trước đây và cũng không cản trở việc ký kết các điều ước như vậy về sau này.

Điều 34. Viên chức ngoại giao được miễn các thứ thuế và lệ phí đánh vào người hoặc sản vật của quốc gia, của địa phương hoặc của thành phố, trừ:

a) Những thuế gián tiếp, thông thường được bao gồm trong giá cả hàng hóa hoặc công dịch vụ.

b) Những thuế và lệ phí về bất động sản ở trên lãnh thổ nước nhận đại diện trừ phi viên chức ngoại giao có những tài sản đó, vì lợi ích của nước cử đại diện, nhằm mục đích vì công việc của cơ quan đại diện ngoại giao.

c) Những thuế và lệ phí về thừa kế mà nước nhận đại diện thu, trừ những quy định ghi ở khoản 4 của Điều 39.

d) Những thuế và lệ phí về các khoản thu nhập từ nguồn gốc thu nhập là ở nước nhận đại diện và những thuế tư bản thu theo vốn đầu tư vào ác xí nghiệp thương mại ở nước nhận đại diện.

đ) Những thuế và lệ phí coi như là tiền công về các công việc đã phục vụ.

e) Những thuế trước bạ, lệ phí của Tòa án, thuế cầm cố, và thuế tiệm chi đối với các bất động sản, trừ các quy định của Điều 23.

Điều 35. Nước nhận đại diện phải miễn cho các viên chức ngoại giao mọi tạp dịch, mọi công vụ bất luận tính chất gì và những đảm phụ quốc phòng như trưng dụng, đóng góp và trú quân.

Điều 36.

1. Nước nhận đại diện tuỳ theo các luật lệ và thể lệ do nước đó đặt ra có thể cho phép nhập nội và cho miễn thuế quan và mọi thừ thuế khác có liên quan, trừ các khoản tiền cước về gửi kho, chuyên chở hoặc các chi phí về những công việc tương đối với:

a)Các đồ vật dùng vào việc công của cơ quan đại diện ngoại giao.

b)Các đồ vật dùng cho cá nhân viên chức ngoại giao hay cá nhân những người trong gia đình viên chức ngoại giao gồm cả những thứ cần thiết cho việc trang trí chỗ ở.

2. Những hành lý các nhân của viên chức ngoại giao được miễn khám xét trừ phi có lý do xác đáng để tin rằng trong hành lý đó có những thứ hàng không thuộc loại được miễn thuế như đã ghi ở khoản 1 Điều này, hoặc là có những vật phẩm mà việc xuất nhập bị luật pháp nước nhận đại diện ngăn cấm, hoặc phải tuân theo quy định về miễn dịch của nước nhận đại diện. Trong những trường hợp tương tự, chỉ có thể khám xét hành lý trước mặt viên chức ngoại giao đó hoặc người được phép đại diện cho họ.

Điều 37.

1. Những người trong gia đình của viên chức ngoại giao cùng ở trong hộ của viên chức ngoại giao được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ ghi trong các Điều từ 29 đến 36, miễn là những người đó không thuộc nước nhận đại diện.

2. Những nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao cùng với những người trong gia đình cùng ở trong hộ của họ, miễn không phải là dân của nước nhận đại diện hoặc không có trú quán thường xuyên ở đó, đều được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ghi trong các Điều từ 29 đến 35 trừ quyền miễn trừ tài phán về dân sự và hành chính của nước nhận đại diện ghi ở khoản 1 của Điều 31 không áp dụng đối với các hành vi làm ngoài chức vụ của họ. Họ cũng được hưởng quyền ưu đãi ghi ở khoản 1 của Điều 36 đối với những vật dụng nhập khẩu trong lần đầu bố trí chỗ ở.

3. Những nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao mà không phải là công dân nước nhận đại diện hoặc không có trú quán thường xuyên ở nước đó cũng được hưởng quyền miễn trừ đối với các hành vi trong khi thừa hành chức vụ của mình và được miễn các thứ thuế đánh vào tiền công lĩnh về công vụ của mình, cũng như quyền miễn trừ ghi ở Điều 33.

4. Những người phục vụ riêng của các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao mà không thuộc nước nhận đại diện hoặc không trú quán thường xuyên ở đó được miễn các thứ thuế đánh vào số tiền công mà họ lĩnh về từ công việc của họ. Còn về tất cả các mặt khác họ chỉ được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ trong chừng mực được nước nhận đại diện cho phép. Tuy nhiên nước nhận đại diện phải thi hành quyền tài phán của nước mình đối với những người này như thế nào để không làm ngăn trở một cách quá đáng việc thực hiện các chức trách của cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 38

1. Trừ phi được nước nhận đại diện cho phép hưởng thêm những quyền ưu đãi và quyền miễn trừ, viên chức ngoại giao thuộc quốc tịch nước nhận đại diện hoặc có trú quán thường xuyên ở nước đó, chỉ được hưởng những quyền miễn trừ về tài phán và quyền bất khả xâm phạm đối với những công vụ thực hiện trong khi thừa hành chức trách của mình.

2. Những thành viên khác của cơ quan đại diện ngoại giao và những người phục vụ riêng thuộc quốc tịch của nước nhận đại diện hoặc có cư trú thường xuyên ở nước đó thì chỉ được hưởng những quyền ưu đãi và quyền miễn trừ trong chừng mực mà nước này thừa nhận cho họ. Tuy nhiên, nước nhận đại diện phải thi hành quyền tài phán của nước mình để không ngăn trở một cách quá đáng việc thực hiện các chức trách của cơ quan đại diện ngoại giao

Điều 39.

1. Người nào được quyền ưu đãi và quyền miễn trừ thì được hưởng những quyền đó ngay từ khi vào lãnh thổ của nước nhận đại diện để nhậm chức hoặc nếu người ấy đã ở trên lãnh thổ đó rồi thì kể từ khi việc cử người ấy được thông báo cho Bộ Ngoại giao hoặc một Bộ nào khác như đã thỏa thuận.

2. Khi chức tách của một người được hưởng quyền ưu đãi và quyền miễn trừ kết thúc thì những quyền này sẽ chấm dứt thông thường vào lúc người đó rời khỏi nước này hoặc sau khi hết một thời hạn hợp lý dành cho việc đó, những quyền ấy tồn tại cho đến tận lúc ra khỏi nước nhận đại diện, ngay cả trường hợp có xung đột vũ trang. Tuy nhiên, quyền miễn trừ còn tồn tại đối với các hành động mà người đó thực hiện trong khi thừa hành chức trách với tư cách là một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao.

3. Trong trường hợp một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao từ trần, những người trong gia đình đó vẫn tiếp tục được hưởng những quyền được ưu đãi và quyền miễn trừ của họ cho đến khi hết một thời hạn hợp lý để họ có thể rời khỏi lãnh thổ nước nhận đại diện.

4. Trong trường hợp một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao không thuộc nước nhận đại diện hoặc không trú quán thường xuyên ở đó đã từ trần hoặc có một người trong gia đình thuộc hộ của họ từ trần, thì nước nhận đại diện cho phép được thu hồi các động sản của người đã quá cố, trừ những động sản đã mua ở nước nhận đại diện và khi người đó từ trần thì những động sản ấy lại là những thứ bị cấm xuất khẩu. Sẽ không thu thuế thừa kế đối với các động sản sở dĩ có trong nước nhận đại diện vì lý do người đã quá cố có mặt ở nước này, với tư cách là thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc là người trong gia đình của một thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 40.

1. Nếu viên chức ngoại giao đi qua lãnh thổ hoặc đang ở trên lãnh thổ nước thứ ba đã cấp thị thực hộ chiếu cho họ trong trường hợp cần có thị thực đó để đi nhận chức, thì nước thứ ba sẽ cho viên chức ấy hưởng quyền bất khả xâm phạm và tất cả các quyền miễn trừ cần thiết khác để được đi qua hoặc trở về. Nước thứ ba cũng làm như vậy đối với những người trong gia đình viên chức ngoại giao được hưởng quyền ưu đãi và quyền miễn trừcùng đi với họ hoặc đi riêng để đến với họ hay là về nước.

2. Trong những trường hợp tương tự với những điều kiện ghi ở khoản 1 của Điều này, nhưng nước thứ ba không được làm cản trở việc những nhân viên hành chính và kỹ thuật, hoặc những nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện ngoại giao và những người trong gia đình họ đi ngang qua lãnh thổ mình.

3. Những nước thứ ba cho phép các thư từ và các loại thông tin chính thức khác đi ngang qua nước mình kể cả những điện bằng mật mã hoặc số hiệu, được tự do và được bảo vệ như ở nước nhận đại diện. Nhưng nước thứ ba cũng cho phép các nhân viên ngoại giao- những người này cũng được cấp thị thực hộ chiếu nếu cần xin thị thực- và các va-li ngoại giao chở ngang qua nước mình, được hưởng quyền bất khả xâm phạm và được bảo vệ y như những quyền mà nước nhận đại diện phải dành cho nhân viên ngoại giao và va-li ngoại giao.

4. Những nghĩa vụ của nước thứ ba theo các khoản 1,2,3 của Điều này cũng áp dụng đối với những người ghi trong các khoản đó cũng như đối với các loại thông tin chính thức và va-li ngoại giao khi mà sự có mặt của những người cũng như các loại thông tin và va-li ngoại giao đó trên nước thứ ba là một điều không thể tránh khỏi.

Điều 41

1. Tất cả những người được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ có nhiệm vụ phải tôn trọng luật lệ của nước nhận đại diện, điều này không làm tổn hại gì đến những quyền ưu đãi và miễn trừ đó. Những người đó cũng có nhiệm vụ không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

2. Tất cả những công việc chính thức mà nước cử đại diện uỷ nhiệm cho cơ quan đại diện ngoại giao để giao dịch với nước nhận đại diện đều phải giao dịch với Bộ Ngoại giao của nước nhận đại diện hoặc qua Bộ Ngoại giao làm trung gian, hoặc với một bộ nào khác như đã thỏa thuận.

3. Những nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao sẽ không được sử dụng một cách không phù hợp với những chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao như đã ghi trong bản Công ước này hoặc trong các quy phạm khác của Công pháp quốc tế chung hoặc trong những điều ước riêng hiện hành giữa nước cử đại diện và nước nhận đại diện.

Điều 42. Viên chức ngoại giao không hoạt động chuyên nghiệp hoặc thương mại ở nước nhận đại diện để kiếm lợi riêng.

Điều 43. Các chức trách của viên chức ngoại giao sẽ chấm dứt sau khi có:

a)Thông báo của nước cử đại diện gửi cho nước nhận đại diện nói rằng chức trách của viên chức ngoại giao đã chấm dứt.

b) Thông báo của nước nhận đại diện gửi cho nước cử đại diện nói rằng theo khoản 2 của Điều 9, nước nhận đại diện từ chối không thừa nhận viên chức ngoại giao ấy là một thành viên trong cơ quan đại diện ngoại giao.

c) Nước cử đại diện có thể giao việc bảo vệ quyền lợi của nước mình và của những người thuộc nước mình cho một nước thứ ba mà nước nhận đại diện có thể chấp nhận được.

Điều 44. Nước nhận đại diện phải giúp đỡ tạo mọi sự dễ dàng, ngay cả trong trường hợp có xung đột vũ trang, để cho những người được hưởng quyền ưu đãi và quyền miễn trừ ngoại giao, trừ những người thuộc nước nhận đại diện cùng với những người trong gia đình họ, bất kể thuộc quốc tịch nào được rời khỏi lãnh thổ nước đó trong thời hạn thích hợp nhất. Đặc biệt khi cần thiết nước nhận đại diện phải cung cấp những phương tiện chuyên chở phù hợp để chở họ và tài sản của họ.

Điều 45. Trong trường hợp cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước hoặc nếu có một cơ quan đại diện ngoại giao bị triệu hồi vĩnh viễn hoặc tạm thời thì:

a)Nước nhận đại diện ngay cả trong trường hợp có xung đột vũ trang, phải tôn trọng và bảo vệ nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao cùng với những tài sản và giấy tờ hồ sơ tài liệu của cơ quan đại diện ngoại giao.

b)Nước cử đại diện có thể giao việc trông nom những nhà cửa của cơ quan đại diện ngoại giao cùng những tài sản ở trong đó và các giấy tờ hồ sơ tài liệu cho một nước thứ ba mà nước nhận đại diện có thể chấp nhận được.

Điều 46. Với sự thoả thuận trước của nước nhận đại diện và theo yêu cầu của một nước thứ ba không có đại diện trong nước này, nước cử đại diện có thể đảm nhiệm việc tạm thời bảo vệ quyền lợi của nước thứ ba và của những người thuộc nước đó.

Điều 47.

1. Trong khi thi hành những điều khoản của Công ước này, nước nhận đại diện không được có sự phân biệt đối xử giữa các nước.

2. Tuy nhiên, không coi là phân biệt đối xử nếu:

a) Việc nước nhận đại diện áp dụng hạn chế một trong những điều khoản của Công ước này vì lý do điều khoản ấy cũng đã áp dụng như vậy đối với cơ quan đại diện ngoại giao của nước đó tại nước cử đại diện.

b) Việc các nước cho nhau hưởng theo tập quán hoặc theo sự thỏa thuận với nhau, một sự đối xử thuận lợi hơn những điều kiện của Công ước này.

Điều 48. Công ước này sẽ để ngỏ cho tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc hay một tổ chức chuyên môn (của Liên hợp quốc) hoặc cho mọi nước tham gia Quy chế Toà án quốc tế mà những nước nào mà Đại hội đồng Liên hợp quốc mời tham gia ký kết Công ước theo cách sau đây: cho đến ngày 31-10-1961 tại Bộ Ngoại giao Liên bang Áo và sau đó cho đến ngày 31-3-1962 tại trụ sở Liên hợp quốc ở NewYork.

Điều 49. Công ước này sẽ được phê chuẩn. Những thư phê chuẩn sẽ nộp Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 50. Tất cả các nước thuộc một trong bốn loại ghi ở Điều 48 có thể xin tham gia Công ước này. Những thư xin tham gia sẽ nộp Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 51.

1. Công ước này sẽ thi hành kể từ ngày thứ 30 sau khi có thư phê chuẩn hoặc xin gia nhập thứ 22 đã nộp Tổng thư ký Liên hợp quốc.

2. Đối với những nước sẽõ phê chuẩn Công ước này hoặc sẽ tham gia sau khi thư phê chuẩn hoặc thư xin tham gia thứ 22 đã nộp, Thì Công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày thứ 30 sau khi nước đó đã nộp thư phê chuẩn hoặc thư xin tham gia của nước mình.

Điều 52. Tổng thư ký Liên hợp quốc báo cho tất cả các nước thuộc một trong bốn loại ghi ở Điều 48 biết:

a) Những chữ ký đã ký vào Công ước này và việc nộp những thư phê chuẩn hoặc thư xin tham gia theo đúng những Điều 48, 49 và 50.

b) Ngày mà Công ước này sẽ thi hành theo Điều 51.

Điều 53. Bản chính của Công ước này là các văn bản viết bằng tiếng Anh, Hoa, Tây ban Nha, Pháp và Nga đều có giá trị như nhau, sẽ nộp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư kí sẽ cho sao y bản chính và gởi đến tất cả các nước thuộc một trong bốn loại ghi ở điều 48.

Để làm bằng chứng, các đại diện toàn quyền ký tên dưới đây được uỷ quyền hợp lệ của Chính phủ mình, đã ký Công ước này.

Làm tại Viên, ngày 18 tháng 4 năm 1961.

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: